Breaking News

GIÁO DỤC TỪ SỚM ĐỂ PHÁT TRIỂN HẾT TÀI NĂNG CỦA TRẺ

Những suy nghĩ khi đọc cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế”: Việc giáo dục trẻ nói trong bài viết này không như khái niệm nói trong nhà trường mà theo nghĩa kích thích các giác quan, hướng tới sự hăng say mọi mặt, phát triển tối đa các tiềm năng của con người từ khi lọt lòng, bồi dưỡng nhân cách toàn diện để phát triển nhanh khi trưởng thành.
GIÁO DỤC TỪ SỚM ĐỂ PHÁT TRIỂN HẾT TÀI NĂNG CỦA TRẺ
 Ngành tâm lý học sinh vật hiện đại đã chứng minh tiềm năng của đứa trẻ có quy luật giảm dần. Một đứa trẻ sinh ra có 100 phần năng lực, nếu tiến hành giáo dục một cách lý tưởng đối với nó từ khi lọt lòng thì sẽ phát huy hết năng lực vốn có. Nếu bắt đầu từ 5 tuổi, giả sử cũng giáo dục một cách lý tưởng như trên thì cũng chỉ có được 80 phần năng lực.

 Nếu đến 10 tuổi mới bắt đầu giáo dục đúng cách thì chỉ còn lại 60 phần. Các nhà khoa học đã phát hiện ra tiềm năng của mọi động vật đều có thời kỳ phát triển của mình, thời kỳ này là cố định. Một dạng tiềm năng nào đó nếu không có điều kiện phát triển đúng lúc thì sẽ bị thui chột. Ví dụ, thời kỳ phát triển năng lực “theo mẹ” của gà con khoảng 4 ngày sau khi nở, tiềm năng “nhận biết âm thanh của mẹ” trong khoảng 8 ngày tuổi. Nếu trong 8 ngày đầu đời mà tách khỏi mẹ thì gà con mất hẳn năng lực theo mẹ và nhận biết tiếng mẹ. Tập tính của chó sói là giấu thức ăn thừa xuống đất để khi đói thì bới lên ăn. Nếu ta nhốt sói mẹ sắp đẻ trong chuồng nền cứng không đào bới được và cho sinh con trong đó. Một thời gian sau, thả hai mẹ con vào rừng, sói con mất hẳn năng lực “giấu thức ăn thừa” do giai đoạn đầu đời nó không có điều kiện “học” ở mẹ. Con người là động vật bậc cao, tâm lý phát triển vượt rất xa động vật, song cũng có một số điểm tương tự. Một số năng lực của trẻ bị biến mất do không có điều kiện phát triển đúng lúc. Dễ dàng nhận thấy ở lĩnh vực âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ,… 

Dạy cho một học sinh tiểu học “học ngoại ngữ” dễ hơn dạy cho một người trưởng thành mà chưa biết ngoại ngữ nào. Dạy cho trẻ mới tập tễnh biết đi biết “bỏ rác vào thùng rác” dễ hơn nhiều dạy một sinh viên đại học chưa có thói quen đó. Cuối thế kỷ 18, một mục sư người Anh tên là Carl Witer đã dày công nghiên cứu việc giáo dục từ sớm cho trẻ, ông cho rằng: “Việc giáo dục đối với trẻ con phải bắt đầu đồng thời với ánh bình minh trí lực của nó”. Ông tin rằng, đối với những đứa trẻ bình thường, chỉ cần giáo dục đúng cách sẽ có thể trở thành người phi thường. Vợ ông sinh con trai tháng 7 năm 1800, đặt tên là Carl Witer, trùng tên cha. Cậu bé lúc mới sinh có vẻ ngốc nghếch hơn bình thường, xóm giềng kháo nhau nó bị chứng đần độn. Người mẹ tỏ ra bi quan, không muốn bỏ công sức để giáo dục. 

Nhưng ông Witer cha vẫn không từ bỏ chủ trương giáo dục từ sớm của mình. Ông kiên nhẫn thực hiện từng chi tiết kế hoạch giáo dục thời kỳ đầu. Kết quả thật kinh ngạc. Witer con lên 9 tuổi đã có thể sử dụng 6 ngôn ngữ: Đức, Pháp, Italia, Anh, Hy Lạp, Latinh; thông hiểu động vật học, thực vật học, vật lý, hóa học; đặc biệt rất giỏi toán. Thi đậu Đại học Leipzig. Chưa đầy 14 tuổi được trao học vị Tiến sĩ Triết học, 16 tuổi được trao học vị Tiến sĩ Pháp học, 23 tuổi trở thành nhà Pháp học ưu tú. Witer con suốt đời dạy học, sống hạnh phúc và nổi tiếng, thọ 83 tuổi. Ông Witer cha đã viết cuốn sách “Giáo dục Carl Witer” kể về quá trình giáo dục con từ lọt lòng đến 14 tuổi. Thời đó, người ta cho rằng thiên tài là do bẩm sinh chứ không phải do giáo dục. Vì vậy, cuốn sách không được mấy người quan tâm. Còn rất ít bản lưu hành đến ngày nay.

 Trong thư viện trường Đại học Harvard còn duy nhất một bản, được bảo quản hết sức nghiêm ngặt. Những ai may mắn đọc và làm theo phương pháp giáo dục từ sớm của Witer đều nuôi dưỡng thành công con cái trở thành những công dân cực kỳ ưu tú, và nhiều người đã viết thành sách để kể lại quá trình nuôi dạy con thành nhân tài. Đầu thế kỷ 20, một học giả Nhật Bản tên Klimura Kyuichi đã nghiên cứu những thành tựu giáo dục từ sớm của Mỹ và phát triển thành học thuyết “Giáo dục thời kỳ đầu”. Năm 1916, ông xuất bản cuốn sách “Thiên tài và sự giáo dục sớm”, giới thiệu lý luận và phương pháp giáo dục của Witer cha và những người đã áp dụng phương pháp đó thành công. Học thuyết “Giáo dục thời kỳ đầu” đã ảnh hưởng sâu sắc đến tố chất người Nhật Bản, góp phần tạo nên sự phát triển thần kỳ của nước Nhật trong thế kỷ 20 Năm 1980, bà Lưu Vệ Hoa, một phóng viên sống tại Bắc Kinh (Trung Quốc), lúc đang mang thai được tặng cuốn sách “Thiên tài và sự giáo dục sớm”; sau đó, bà tìm đọc cuốn “Giáo dục trẻ bắt đầu từ 0 tuổi” của Ifuka - Nhà giáo dục học Nhật Bản. Ifuka là độc giả trung thành của cuốn sách “Thiên tài và sự giáo dục sớm”. Ông cho rằng, thời gian truyền đạt thông tin cho trẻ có thể bắt đầu từ 15 ngày tuổi. Điều này không phải thúc trẻ nói sớm mà nhằm giúp trẻ tích lũy từ ngữ được sẽ nhanh chóng bật ra, vượt xa những trẻ bình thường. Năm 1981, bà Lưu Vệ Hoa sinh con, bà quyết tâm áp dụng phương pháp giáo dục từ sớm của Nhật Bản. Không may, ba tháng đầu đời, đứa con gái tên là Lưu Diệc Đình của bà ốm đau liên miên. Mặc dầu vậy, bà không từ bỏ kế hoạch giáo dục sớm. Vừa chữa bệnh cho con, bà vừa tiến hành huấn luyện 5 giác quan: tai, mắt, mồm, mũi, da; kích thích phát triển đại não, tập cho bé ăn ngủ điều độ, tránh cho dạ dày không được nghỉ. Bà biết rằng, nếu dạ dày làm việc quá nhiều thì chức năng của đại não sẽ giảm. 

Nhiều bà mẹ trẻ đã không nhận thức được điều này nên cứ ép con ăn, liên tục hết thứ này đến thứ khác. Khi sức khỏe con bình phục, bà tranh thủ từng giờ, từng phút truyền đạt những thông tin chuẩn mực, kích thích sự hưng phấn của trẻ. Bà ghi nhớ lời một nhà khoa học Nga Tsêcennov “Cội nguồn của mọi trí tuệ đều nằm ở sự ghi nhớ”. Bà luyện tập cho con sớm biết bò. Tiến sỹ Grand Dawmon - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tiềm năng trí lực con người của Mỹ nói: “Nếu như chỉ dùng 3 từ để nói rõ làm thế nào để phát triển năng lực trí lực của con bạn thì đó chính là cho cháu bò”. Bà tạo mọi điều kiện cho con học tập và phát triển đầy đủ những năng lực liên quan đến thời kỳ tuổi thơ khi tiếp xúc và quan sát môi trường xung quanh. Sự kiên nhẫn không biết mệt mỏi để theo đuổi phương pháp giáo dục từ sớm của Lưu Vệ Hoa trong 18 năm đã đem lại kết quả vang dội toàn Trung Quốc. 

Năm 1999, khi Lưu Diệc Đình 18 tuổi đã thi đậu 4 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có Đại học Harvard, có trường hứa hẹn mức học bổng 30 ngàn đô la mỗi năm. Lưu Vệ Hoa đã viết lại quá trình giáo dục con trong cuốn sách “Cô bé Harvard Lưu Diệc Đình”, Tác gia Xuất bản xã ấn hành năm 2001. Chỉ riêng năm đó, sách đã phát hành 1.100.000 bản; tái bản tới 32 lần. Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt với tên sách là: “Em phải đến Harvard học kinh tế” (NXB VHTT, 2004). Nhiều bà mẹ trẻ đã tìm đọc cuốn sách này và coi là cẩm nang gối đầu giường. Tôi được một người bạn tặng cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế”, càng đọc và suy ngẫm, càng thấy cuốn hút bởi tính thực tiễn của nó. Tôi chọn lọc và sắp xếp những tư liệu bổ ích viết trong sách giới thiệu với bạn đọc. Mong sao có nhiều người tìm đọc và áp dụng phương pháp giáo dục từ sớm để trẻ em Việt Nam có điều kiện phát triển hết tiềm năng, để có thật nhiều nhân tài cho đất nước.