Cậu bé “thần đồng” Hà Tĩnh đọc tiếng Anh từ 18 tháng tuổi giờ ra sao?
Hiện cậu bé Lê Nguyễn Bảo Chung đã 6 tuổi và ngày càng phát triển vượt trội năng khiếu ngôn ngữ của mình.
Bé Nguyễn Lê Bảo Chung biết nói và đọc chữ tiếng Anh từ 18 tháng tuổi. Ảnh: Vnexpress.
Từng khiến nhiều người kinh ngạc và được xem là hiện tượng lạ so với bạn bè cùng lứa tuổi khi biết nói tiếng Anh lúc 18 tháng tuổi, Lê Nguyễn Bảo Chung (6 tuổi, trú thôn Đông Văn, Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) giờ đã lên 6 tuổi. Cậu bé hiện không chỉ đọc viết, giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh , em còn đọc trôi chảy tiếng Việt mặc dù chưa được học chữ cái.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, để có ngày hôm nay, chị và con trai từng có khoảng thời gian khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ.
Bé Chung, con trai chị Liên, lúc 18 tháng, thay vì nói tiếng Việt, câu đầu tiên bé phát ra là "eleven". Từ đó đến năm 4 tuổi, em chỉ giao tiếp với mẹ và mọi người bằng tiếng Anh, trong khi ở quê, mọi người không ai biết ngôn ngữ này.
Lúc con nói "eleven", chị Liên chỉ nghĩ con nói linh tinh. Nhưng bé Bin cứ nói câu đấy cả ngày khiến chị nghi ngờ nên đã hỏi con gái lớn đang học lớp 11 xem em nói gì. Con gái bảo em nói tiếng Anh. "Tôi không tin vì trước đó Bin không biết nói bất cứ câu gì tiếng Việt, huống hồ tiếng Anh. Tuy nhiên, khi tôi chỉ vào lịch đúng ngày 11 thì con đã đọc một mạch từ số 11 đến 30 bằng tiếng Anh, khiến tôi và con gái kinh ngạc", chị Liên nói.
Ngay hôm sau, chị Liên đi mua bảng chữ cái về thì thấy con đọc được hết bằng tiếng Anh, chị lại đi mua tranh ảnh về hoa quả, xe ô tô, con cũng đọc vanh vách. "Tôi rùng mình mời cô giáo dạy tiếng Anh đến kiểm tra vì bản thân không biết ngoại ngữ này. Không ngờ cô giáo bảo con nói đúng hết, âm gió chuẩn", chị Liên nhớ lại.
Chị Liên kể thêm, sau đó, bé Chung còn nói câu hoàn chỉnh như "I love you, mama", trong khi mẹ không hiểu gì nên không có phản ứng. Thấy vậy con càng ôm cổ mẹ càng nói I love you, mama. Cứ thế, mẹ nói thì con khóc, con nói thì mẹ khóc vì không hiểu nhau. Thậm chí, có lần con còn đập đầu vào tường vì "dỗi" không thể giao tiếp với mẹ hay bất cứ ai.
Do không thể giao tiếp với con bằng tiếng Việt vì con không hiểu và cũng nhất định không chịu học, chị Liên quyết tâm tự học tiếng Anh qua các ứng dụng trên điện thoại, hay mượn máy tính của hàng xóm để học, mong có thể sớm giao tiếp được với đứa con trai chị dứt ruột đẻ ra.
Chị Liên cũng cho con đi học mẫu giáo, nhưng bé không thể giao tiếp với cô và các bạn, nên chỉ bám theo mẹ.
Mãi tới năm hơn 4 tuổi, bé Chung mới bắt đầu tập nói tiếng Việt. Theo chị Liên, khi biết nói tiếng Việt cũng là lúc Bin có thể đọc và làm các bài Toán, Văn. Thậm chí, giờ 5 tuổi, bé có thể viết chữ tiếng Anh, tiếng Việt và làm các bài tập nâng cao của lớp 2, lớp 3.
Được biết ngoài bé Chung, chị Liên còn có 3 người con khác đều đã lập gia đình. Do có nhiều bất hòa trong hôn nhân, hiện chị Liên và chồng đã ly thân, chị một mình nuôi bé Chung.
Bảo Chung cùng thầy giáo tiếng Anh riêng của mình tại trường. Ảnh: VTC News
Hiện nay bé Bảo Chung nhận được học bổng 100% của Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh.
Được biết, trước khi nhận Bảo Chung, nhà trường có tổ chức buổi kiểm tra năng lực. Trường nhận thấy em có khả năng nghe nói vượt trội, được đánh giá tương đương với học sinh lớp 3 hoặc 4. Bên cạnh đó, em có khả năng đọc tiếng Anh trôi chảy, rõ ràng và chuẩn Anh Mỹ. Không chỉ vậy, vốn kiến thức và am hiểu của Chung về thế giới xung quanh như vũ trụ, động cơ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… cũng đáng kinh ngạc.
Thế nhưng, với trình độ vượt trội đó, việc lựa chọn cho em một chương trình học phù hợp là điều mà chị Liên và các thầy cô giáo khá đau đầu.
Cô giáo Bùi Thị An Hoài – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh (Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh) cho biết, kỹ năng viết của Chung chưa hoàn thiện do từ trước giờ chưa được luyện viết. Vì thế, trường đang tập trung cho em hoàn thiện phần kỹ năng viết.
"Hoàn thiện kỹ năng viết, trường sẽ sắp xếp lớp đúng khả năng thực sự của cháu. Sau đó trường sẽ lồng ghép thêm chương trình Acellus của Mỹ để cháu tiếp tục phát triển kiến thức ngôn ngữ và kiến thức khoa học, toán học bằng tiếng Anh hoặc sắp xếp lớp bồi dưỡng dạy cùng các anh chị lớp lớn hơn”, cô An Hoài chia sẻ.